Cha mẹ ly hôn, con cái ở với ai?
Khi ly hôn thì Con luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm và “khó chia” nhất. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay, cha mẹ ly hôn thì quyền nuôi con thuộc về ai?
1. Cha hay Mẹ có quyền nuôi con sau khi ly hôn?
– Đối với ly hôn thuận tình: Vợ chồng có thể thoả thuận với nhau để có quyền nuôi con.
– Đối với ly hôn được phương và tranh chấp quyền nuôi con thì xảy ra các trường hợp sau đây:
+ Khi con dưới 36 tháng tuổi thì theo nguyên tắc chung thì người mẹ được quyền nuôi con. Trừ trường hợp người mẹ không đủ khả năng về nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì người bố sẽ có quyền nuôi con.
+ Khi con trên 36 tháng tuổi thì toà sẽ xem xét về điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần giữa người bố và người mẹ. Bên nào có khả năng tạo điều kiện cho người con phát triển tốt nhất thì toà sẽ giành quyền nuôi con cho bên đó.
Điều kiện vật chất gồm: Thu nhập thực tế; Công việc ổn định; Có chỗ ở ổn định (nhà ở hợp pháp) và các vấn đề khác.
Điều kiện tinh thần: Chứng minh được đối phương trong thời gian chung sống không quan tâm con, bạo lực với con; thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ…
+ Con trên 7 tuổi, nguyện vọng của con sẽ được xem xét trong quá trình giải quyết vụ ly hôn.
2. Nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn
– Nếu ly hôn, Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
– Đối tượng được cấp dưỡng gồm: Con chưa thành niên và con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Mức cấp dưỡng: Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết
– Cấp dưỡng được thực hiện theo hai phương thức sau đây:
Cấp dưỡng theo định kỳ: Đây là phương thức ưu tiên và thường được sử dụng trên thực tế. Các bên được thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản theo phương thức định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm. Việc lựa chọn phương thức nào trước hết dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết căn cứ vào mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng trừ trường hợp cấp dưỡng cho con sau khi cha mẹ li hôn theo Nghị quyết 02/2000 của HĐTPTANDTC, khi các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Cấp dưỡng một lần: Việc nghĩa vụ cấp dưỡng một lần được thực hiện trong 4 trường hợp:
+ Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế và được người cấp dưỡng đồng ý;
+ Theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và được Tòa án đồng ý;
+ Theo yêu cầu của người được cấp dưỡng (hoặc người giám hộ) trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản hoặc cố tính trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần và được tòa án chấp nhận;
+ Theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì có thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần.
3. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn?
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
4. Có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con không?
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này và có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, nhưng trên thực tế không phải lúc nào họ cũng được tạo điều kiện để thăm nom con, thậm chí nhiều trường hợp còn bị cản trở, gây khó dễ, xuất phát từ tâm lý hẹp hòi, ích kỷ. Trong trường hợp trên, người bị cản trở quyền thăm nom có thể khởi kiện về việc yêu cầu Tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
– Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Nội dung trên là phần Luật sư tư vấn về chủ đề “Cha mẹ ly hôn, con ở với ai? ”. Mọi thắc mắc, xin vui lòng liên hệ Luật Blue số Hotline: 0911 999 029 – 0989 347 858 để được giải đáp. Trân Trọng!